Kim cương có giá trị rất cao nhưng hiện trên thị trường các chiêu trò lừa đảo, hô biến kim cương nhân tạo thành kim cương tự nhiên, thay “lý lịch” kim cương.
Người tiêu dùng nên mua kim cương ở những nơi uy tín
Rất nhiều người đã bị móc túi hàng trăm triệu đồng từ các trò lừa đảo này.
“Nhân bản” giấy khai sinh
Dù mua và sở hữu rất nhiều viên kim cương, nhưng bà Minh (Q.3, TP.HCM) vẫn cay đắng bị mất hàng trăm triệu đồng khi mua phải viên kim cương giả nước D. Bà Minh kể, cách đây mấy tháng bà đến một cửa hàng bán kim cương ở khu vực chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) mua một viên. Theo như giấy khai sinh, viên kim cương này có khối lượng 5,4 li, nước màu D.
Thấy “lý lịch” đàng hoàng, bà Minh đồng ý mua chiếc nhẫn gắn viên kim cương này nhưng không ngờ đeo chỉ được vài tháng viên đá không còn sáng màu như lúc đầu. Bà Minh vội vàng đem đi kiểm định thì mới té ngửa, nước màu của viên kim cương là nước F chứ không phải nước D như giấy khai sinh. Đáng nói là chênh lệch giá kim cương nước D và F khá xa. Một điểm bán kim cương ở khu vực chợ Bến Thành cho biết một viên kim cương 5,4 li nước D, độ tinh khiết VVS1 có giá hơn 150 triệu đồng, còn nước F vào khoảng 68 triệu đồng.
Giấy khai sinh của viên kim cương trên lại thật 100%. Lý giải vấn đề này, ông Lê Hữu Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết thị trường có tình trạng “nhân bản” giấy chứng nhận kim cương của Viện Ngọc học Mỹ (GIA). Cụ thể, những viên kim cương tự nhiên, chất lượng tốt, giá cao được đưa vào GIA để giám định và có giấy khai sinh. Kẻ gian lấy giấy khai sinh này sử dụng cho một viên kim cương khác có chất lượng kém hơn hoặc kim cương tổng hợp CVD với những thông tin về giác cắt, màu... gần giống như viên kim cương chất lượng cao. Để trùng khớp, những viên kim cương “nhái” hay chất lượng kém sẽ được khắc mã số trùng mã số trên giấy GIA và được bán ra thị trường với giấy khai sinh của viên kim cương chất lượng cao.
“Sau đó, viên kim cương tự nhiên ban đầu sẽ được mài cạnh mất đi mã số đã khắc trên đó rồi lại được đưa đi kiểm định để có giấy khai sinh khác. Rồi một viên đá khác sẽ được sử dụng giấy khai sinh này ra thị trường như cách ở trên”, ông Hạnh cảnh báo.
Khẳng định có tình trạng trên, ông Đặng Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV giám định PNJ, kể : “Trong quá trình kiểm định kim cương cho khách hàng, chúng tôi phát hiện một số sản phẩm có giấy chứng nhận khai sinh của GIA khối lượng 5,4 li hay 6 li nước D, E. Thế nhưng khi kiểm tra lại thì rớt xuống nước G hay F. Kim cương có giấy khai sinh GIA ghi độ sạch VVS1 nhưng kiểm tra lại ra là VVS2”. Việc rớt 1 - 2 nước màu của kim cương khiến người tiêu dùng bị thiệt hại lớn. Cụ thể, một viên kim cương có cùng khối lượng, độ sạch như nhau nhưng rớt 1 - 2 nước, người mua đã bị móc túi từ 10 - 15%/tổng giá trị/nước màu. Đơn cử một viên kim cương 5,4 li, màu D, độ sạch VVS1 có giá tương đương 4.500 USD. Nhưng nếu là nước E, giá còn khoảng 3.600 USD và nếu xuống nước F, giá khoảng 3.200 USD.
Lập lờ kim cương tổng hợp
Từ năm 2015 đến nay, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm kim cương tổng hợp từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ... có kích thước nhỏ dưới 3 li rất dễ trộn lẫn trong kim cương tự nhiên ở lô hàng lớn, hoặc gắn trên nữ trang mà khó phát hiện. “Một số khách hàng mang sản phẩm đến kiểm định mới phát hiện đó là kim cương tổng hợp CVD nên chúng tôi không thể ra giấy chứng nhận cho họ được”, ông Đặng Ngọc Thảo cho hay.
Theo bà Đoàn Thị Anh Vũ - giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, Phó ban Khoa học kỹ thuật Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM, kim cương tự nhiên hiện nay hiếm và có giá thành cao nên thị trường xuất hiện nhiều loại đá tổng hợp kim cương thay thế. Những năm trước, đá CZ, Moissanite giả kim cương khá phổ biến trên thị trường VN, nhưng người tiêu dùng có thể kiểm tra phát hiện bằng bút thử kim cương. Còn gần đây thị trường xuất hiện đá CVD có tính chất gần giống kim cương tự nhiên, rất khó phân biệt bằng mắt, hay dùng bút thử, kính hiển vi.
Ngày 16.12, một tiệm kim cương khu vực Q.1, TP.HCM báo giá đá CVD 7 li khoảng 3,5 triệu đồng. Nhưng ngay cả với các loại đá này, người tiêu dùng cũng bị móc túi nặng nề. Bởi theo ông Lê Hữu Hạnh, giá đó không phải là CVD mà có thể là Moissanite. Giá của CVD ở mức khoảng 30% giá trị kim cương tự nhiên.
Đáng lo ngại, theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM, không những người tiêu dùng mà cả người kinh doanh cũng khó phân biệt được kim cương tổng hợp CVD và dễ mua nhầm. “Doanh nghiệp mua nhầm sản phẩm thường hay giấu và không công khai về việc mình đã mua nhầm. Chẳng hạn như vừa qua, một số đơn vị mua phải vàng độn tạp chất cũng không dám nói ra. Kim cương tự nhiên đang ngày càng hiếm và CVD có khả năng làm cuộc cách mạng thay thế kim cương tự nhiên, nhiều ý kiến đánh giá như vậy. Nhưng “cuộc cách mạng” này có thành công hay không là do người tiêu dùng quyết định. Còn người kinh doanh, bổn phận của họ là phải thông tin về sản phẩm minh bạch, rõ ràng, công khai”, ông Dưng nói.
Khi mua, hầu hết mọi người thường có thói quen soi kính hiển vi mã số khắc trên viên kim cương có trùng khớp với giấy chứng nhận hay không là ra quyết định. Người cẩn thận hơn có thể nhập mã số vào website của GIA, thông tin về viên kim cương này sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, ông Hạnh cho rằng nếu chỉ dựa vào mã khắc trên viên kim cương trùng với giấy khai sinh hay không để đưa ra quyết định mua thì vẫn có thể bị lừa. “Ngoài việc lựa chọn nơi bán kim cương uy tín, người tiêu dùng cần yêu cầu thực hiện kiểm định viên kim cương ở những công ty giám định có máy móc hiện đại, uy tín bởi thị trường hiện nay đang xuất hiện kim cương tổng hợp khá giống với kim cương tự nhiên”, ông Lê Hữu Hạnh khuyến cáo.