Hơn 20 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Trần Ngọc Ngân Vũ hiện là người thợ, cũng là thầy, người có biệt tài phác họa ra những sản phẩm nữ trang đầy tinh mỹ thuận, đẹp sắc sảo và khó lẫn với ai được.
Ông Trần Ngọc Ngân Vũ sinh năm 1969, ngụ tại Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh, hiện công tác tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ), ông đang phụ trách công việc chế tác sản phẩm nữ trang và đào tạo chuyên viên chế tác nữ trang.
Ông Vũ đến với nghề kim hoàn từ năm 1994 với vai trò người thợ vàng bạc thủ công. Công việc chủ yếu là từ một cục vàng, người thợ lập nên ý tưởng, hình thành bản vẽ rồi đục đẽo cho đến khi trở thành sản phẩm nữ trang. Nhờ chăm chỉ và khéo tay, ông Vũ đã học được nhiều cái hay, các bí quyết của người đi trước và trở thành nghệ nhân. Nhờ đó, ông đã có nhiều tác phẩm nữ trang đẹp, đầy tính mỹ thuật để đời.
Nghệ nhân Trần Ngọc Ngân Vũ bên bàn làm việc tại Công ty PNJ
Ông Vũ cho biết, trong suốt quá trình thực hành chế tác sản phẩm nữ trang, loại trang sức gắn đá quý ông đã làm được nhiều tác phẩm nữ trang có giá trị cao, mang tầm quốc tế. Để tạo ra được một tác phẩm nữ trang ưng ý, theo ông đó là cả một sự đầu tư lớn bằng trí tuệ, cảm xúc và sự say mê “điên cuồng” với công việc cả ngày lẫn đêm.
“Trong cuộc thi Bàn tay vàng nghề kim hoàn TP. Hồ Chí Minh năm 1997, tôi tham gia và tạo được một sản phẩm nhưng không dám nộp cho Ban tổ chức vì thấy nó chưa vừa ý. Khi trao giải nhìn những tác phẩm của người khác đoạt giải thì nghĩ mình đủ sức làm được, suy nghĩ đó thôi thúc tôi tìm tòi, học hỏi không ngừng và những giải thưởng sau đó liên tục đến như một sự thưởng công cho những cố gắng của mình”, ông Vũ nhớ lại.
Ông Vũ cho hay, chuyên môn của ông là phụ trách khâu chế tác bằng thủ công kết hợp với công nghệ máy móc hiện đại như công nghệ đúc, công nghệ 3D, công nghệ làm bóng bằng lắc bi, công nghệ bom sáp tự động, công nghệ cơ khí chế tạo khuôn mẫu, dập. Kỹ năng áp dụng công nghiệp đưa các máy móc thiết bị vào hỗ trợ cho chế tác nữ trang, kỹ thuật gắn đá microsetting, gắn đá ngàm, kỹ năng đọc các bản vẽ thiết kế sáng tạo…
Nghệ nhân Trần Ngọc Ngân Vũ hướng dẫn học viên chế tác kim hoàn theo phương pháp truyền thống
Các tác phẩm nữ trang do ông Vũ phác thảo, chế tác tiêu biểu và đạt giải thương cao ở nhiều cuộc thi như tác phẩm “Chim bồ câu hòa bình” vàng 18K + đá Saphia; tác phẩm “Bốn mùa” Mai - Lan - Cúc - Trúc; bộ tác phẩm “Cây tre Việt Nam”; tác phẩm dây đeo cổ “Sức sống Việt Nam”...
Cụ thể, tác phẩm “Mai - Lan Trúc - Cúc” đoạt đồng Giải nhất với ông Phạm Duy Phương trong cuộc thi tay nghề do Hội SJC và Hội đồng vàng tổ chức năm 1999. Năm 2000, tác phẩm bộ trang sức “Rồng bay” đoạt đồng Giải nhất với ông Trần Văn Dân; tác phẩm nữ trang vòng “Lông công” đá Ruby và Saphia đạt Giải ba do Hội SJC và Hội đồng vàng tổ chức. Năm 2003, ông Vũ nhận danh hiệu Nghệ nhân Kim hoàn do Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP. Hồ Chí Minh trao và nhận nhiều bằng khen của UBND TP. Hồ Chí Minh và các tổ chức trao tặng.
Ông Vũ kể, năm 2006, khi thực hiện tác phẩm nữ trang “Sức sống Việt Nam”, cầm bản vẻ với phác họa là cây tre Việt Nam, trong đầu tôi suy nghĩ cần chế tác cây tre nằm trên cổ của người con gái trẻ bằng chất liệu vàng và đá quý làm sao sản phẩm khi đeo thì phải thấy được cái hồn của người phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất.
Tác phẩm kim hoàn Sức sống Việt Nam của nghệ nhân Trần Ngọc Ngân Vũ
Tác phẩm này đã đã đoạt Giải nhất hội thi trang sức do Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP. Hồ Chí Minh tổ chức. “ Sau khi hoàn thành một tác phẩm với hàng trăm chi tiết nhỏ, những kiến thức nghề đều in đậm trong đầu, dù sau này không cầm bản vẽ cũng có thể tạo ra được một sản phẩm giống hệt như bản cũ, đó là vì mình qúa yêu say nghề”, ông Vũ nhớ lại.
Từ năm 2014 đến nay, ông Vũ đảm nhiệm Trưởng Trung tâm bảo hành, kiêm công tác đào tạo nghề kim hoàn thủ công truyền thống và thợ bảo hành của hệ thống cửa hàng, chi nhánh của Công ty PNJ. Ông Vũ là người trực tiếp đào tạo hàng trăm học viên, hiện đã có người trở thành nghệ nhân kim hoàn. “Cái khó của nghề kim hoàn là phải rành những kinh nghiệm truyền thống nhưng quan trọng là phải tạo được “phần hồn” ẩn chứa bên trong sản phẩm trang sức. Để đạt được điều đó thì người thợ cần phải không ngừng học hỏi và yêu nghề đến quyết liệt”, ông Vũ đúc kết.