Với những buổi tập huấn kỹ năng, giờ can thiệp 1 – 1 miễn phí dành cho trẻ có rối loạn phổ tự kỉ của Dự án ‘Nâng cao nhận thức về tự kỉ ở trẻ em VN’, nhiều trẻ tự kỉ có tiến bộ rõ rệt, là bước đệm giúp các em hòa nhập cộng đồng.
Nội dung
Hạnh phúc vì sự sẻ chia
Khi con đầu lòng được 1,5 tuổi, chị Nguyễn Ánh Hồng (29 tuổi, ngụ Vĩnh Phúc) thấy con không phản ứng khi được gọi tên, tự làm đau bản thân, chạy vòng tròn nên đưa con đi thăm khám.
Chuẩn bị trước tinh thần, nhưng cả nhà vẫn “sốc” khi BS kết luận con có rối loạn phổ tự kỉ. Lên mạng tìm đọc tất cả các thông tin liên quan, chị Hồng đưa con đi can thiệp điều trị ngay sau đó.
“Tôi từ bỏ công việc yêu thích, chuyển qua làm nghề khác để có thời gian đưa đón, can thiệp cùng con tại nhà. Sau 2 tháng theo học, cháu đã biết nghe lời, hạn chế làm đau mình”, chị Hồng kể.
Theo chị Hồng, Dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỉ ở trẻ em VN” do PNJ và Quỹ Bảo trợ trẻ em VN thực hiện đã hỗ trợ con chị cũng như nhiều bé khác ở trung tâm có những buổi can thiệp 1 – 1. Chị Hồng mong rằng Dự án được kéo dài để hành trình hoàn thiện cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa.
“Cho đến hiện tại 7 tuổi, cháu nhà tôi đã đã đọc, viết tốt, hành vi thay đổi nhiều, biết nghe lời ba mẹ và tham gia các hoạt động tập thể. Không chỉ các bé tiến bộ, mà qua Dự án, nhiều phụ huynh được tập huấn các kỹ năng để cùng chơi, cùng học, giao tiếp với con dễ dàng hơn”, chị Hồng bày tỏ.
Gắn bó với trẻ tự kỉ từ năm 2018, cô Ngụy Thị Quế, trị liệu viên tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập An Tuệ (Vình Phúc) cũng chia sẻ, nếu như niềm vui của giáo viên phổ thông là kết quả cao của học sinh, thì với giáo viên ở trung tâm, chỉ cần trẻ biết vẫy tay chào, bật lên một âm thanh đã là hạnh phúc.
Cô Quế cho biết, thông qua Dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỉ ở trẻ em VN” rất nhiều học sinh ở Vĩnh Phúc đã được can thiệp, hỗ trợ. Nhiều buổi tập huấn dành cho phụ huynh, giáo viên với sự hướng dẫn của những chuyên gia đã cung cấp thêm nhiều kỹ năng để đồng hành cùng trẻ tự kỉ dễ dàng hơn.
“Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhờ Dự án mà được tăng thời lượng can thiệp lên, giúp các bé có kỹ năng tự phục vụ, tự chăm sóc bản thân, kỹ năng nghề nghiệp. Tôi rất cảm ơn những lợi ích mà Dự án đã mang lại”, cô Quế bộc bạch.
Lan tỏa yêu thương
Cô Nguyễn Thị Hường, quản lý cơ sở tại TP.Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập An Tuệ nhìn nhận, có những trẻ tự kỉ bị thiệt thòi trong chính gia đình, bố mẹ tránh né, không cho trẻ giao tiếp xã hội.
Trong khi đó, trẻ tự kỉ thường thu mình lại, không có nhu cầu kết bạn, né tránh bạn chơi cùng, không biết cách kết bạn, không biết tham gia cùng mọi người. Điều này làm trẻ càng thiệt thòi hơn nữa.
Có thời gian dài trong nghề, cô Hường cho hay, nhiều phụ huynh đã đến tìm hiểu môi trường để can thiệp cho trẻ, nhưng không đủ khả năng cho con đi. “Nhưng nhờ Dự án, các bé đã được can thiệp, phụ huynh được tham gia những buổi tập huấn để biết cách chơi với trẻ, can thiệp vào hành vi của trẻ, ngay cả những triệu liệu viên cũng có thêm nhiều kỹ năng phục vụ công việc”, cô Hường tâm sự.
Từ Dự án, hàng ngàn gia đình khó khăn về kinh tế không thể tiếp cận dịch vụ xã hội về chăm sóc trẻ tự kỉ đã có cơ hội hiểu biết để tự ứng dụng một phần kiến thức vào thực tiễn chăm sóc trẻ tự kỉ tại nhà.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em VN cho hay, trên 10.000 phụ huynh, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ tự kỉ được hưởng lợi từ Dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỉ ở trẻ em VN” do PNJ và Quỹ đồng khởi xướng, thực hiện thời gian qua.
Dự án đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng tập trung, nâng cao kiến thức hàng năm cho 109 giáo viên chủ chốt tại 82 trung tâm trên 37 tỉnh, thành phố và bồi dưỡng online hàng tháng cho trên 4.500 giáo viên, kỹ thuật viên chăm sóc trẻ tự kỉ… Bà Hiền đánh giá: “Việc áp kiến thức chuyên sâu từ tài liệu Hỗ trợ phục hồi chức năng và các cuốn phụ san hình ảnh cùng với sự hướng dẫn tận tình quà các lớp tập huấn của các chuyên gia đầu ngành về giáo dục đặc biệt, y tế… giúp cho hơn 4.000 trẻ em tự kỉ ở trung tâm và nhiều trường hợp khác tại cộng đồng có định hướng phát triển hoạt động can thiệp cho trẻ tự kỉ”.