Độ trong là khả năng cho ánh sáng xuyên vào bên trong viên đá. Viên đá càng trong suốt thì màu sắc càng lấp lánh và giá trị càng cao. Độ sạch là mức độ tạp chất có mặt trong viên đá, bao thể càng ít thì độ sạch càng cao.
Nội dung
1. Clarity
Một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng lên giá trị của đá quý là độ tinh khiết, đó là mức độ hiện diện của những khuyết điểm bên ngoài và bao thể. Một khuyết điểm bên ngoài là một tỳ vết trên bề mặt viên đá đã được đánh bóng. Mặt khác, một bao thể lại là khuyết điểm nằm hoàn toàn bên trong, hoặc đi từ ngoài vào đến bên trong viên đá.
Đá màu có nhiều loại khuyết điểm bên ngoài và bao thể, chúng có nhiều ảnh hưởng khác nhau lên vẻ bề ngoài và độ bền của viên đá, đó là khả năng chống lại sự bào mòn, nhiệt độ cao, và hóa chất.
Khuyết điểm bên ngoài là những tỳ vết trên bề mặt như là vết trầy và vết mẻ. Chúng ảnh hưởng ít hoặc không ảnh hưởng đến vẻ đẹp của viên đá quý, trừ khi quá lớn hoặc có số lượng nhiều. Mặt khác, bao thể có thể ảnh hưởng đến viên đá theo nhiều cách khác nhau. Những đặc điểm bên trong này bao gồm những vết nứt, bao thể lỏng, và bao thể tinh thể. Khuyết điểm bề ngoài cùng với bao thể được gọi là những đặc điểm của độ tinh khiết.
Ngoài mối quan hệ với vẻ bề ngoài và độ bền của viên đá, độ tinh khiết còn có mối quan hệ mật thiết với tính hiếm. Bởi theo cách mà viên đá được hình thành, để có được một mẫu hoàn toàn không có bao thể thì cực kỳ hiếm. Một viên đá càng ít bao thể bao nhiêu thì càng hiếm bấy nhiêu. Vì vậy, sự hiếm có này làm tăng thêm giá trị của nó khi tất cả các tính chất khác là như nhau.
2. Bao thể – Inclusions
Như chúng ta đã biết, bao thể thường có nhiều ảnh hưởng hơn khuyết điểm bên ngoài. Ảnh hưởng của chúng phụ thuộc vào kích thước, số lượng, vị trí, và màu sắc hoặc độ nổi.
- Kích thước: Bao thể lớn có nhiều ảnh hưởng hơn bao thể nhỏ.
- Số lượng: Nhìn chung, một viên đá càng có nhiều bao thể thì độ tinh khiết của nó càng thấp đi. Cũng có những trường hợp ngoại lệ: Một viên đá có thể có nhiều bao thể nhỏ và vẫn có độ tinh khiết cao.
- Vị trí: Bao thể ở giữa mặt bàn thì thường dễ thấy hơn những bao thể dưới các giác xung quanh mặt bàn hoặc gần gờ viên đá.
- Màu sắc và độ nổi: Bao thể có màu sắc gần giống với viên đá thì không có gì nổi bật. Nhưng một bao thể có màu khác hẳn với màu của viên đá, như bao thể màu đỏ trong viên đá không màu thì thường có tác động mạnh lên độ tinh khiết. Một vết nứt được lấp đầy không khí cũng sẽ nổi bật.
Ngoài dạng bên ngoài, tính chất hoặc loại bao thể có thể ảnh hưởng lên độ bền của viên đá. Trong nhiều trường hợp, bao thể ảnh hưởng đến độ bền của viên đá sẽ ảnh hưởng lên giá trị. Những vết nứt cũng vậy.
3. Vết nứt – Breaks
Một vết nứt trong đá quý được phân loại như một bao thể. Người kinh doanh thường gọi vết nứt là feathers (nứt dạng lông vũ) bởi vì chúng thường có màu trắng và mỏng. Đôi khi vết nứt không đủ lớn để ảnh hưởng đến bề ngoài viên đá nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến độ bền và làm giảm giá trị của viên đá. Có 3 loại cơ bản: cát khai, tách khai, vết vỡ.
Cát khai – cleavage là loại nguy hiểm nhất trong các loại vết nứt. Nó sinh ra từ những điểm yếu trong cấu trúc của đá. Vì liên kết nguyên tử của tinh thể đá quý bị yếu theo những hướng nào đó. Cát khai là một mặt nứt phẳng mà có thể có xuất hiện dạng bậc. Topaz, tanzanite, kunzite, và moonstone là những loại đá thường có cát khai. Kim cương cũng vậy. Ban đầu cát khai có thể nhỏ nhưng nó có thể dễ dàng trở nên tệ hơn khi được mang hay đeo một cách bất cẩn, đặc biệt khi vô tình bị va mạnh vào đâu đó.
Tách khai – parting là một mặt nứt song song với mặt song tinh. Những mặt song tinh được tạo thành khi cấu trúc tinh thể bị trượt trong quá trình tăng trưởng. Giống như cát khai, tách khai là một mặt nứt phẳng phản ánh điểm yếu trong cấu trúc của viên đá. Nó cũng có thể hình thành hoặc mở rộng bởi một tách động không cố ý. Bạn sẽ thấy tách khai rõ nhất ở sapphire sao màu đen.
Vết vỡ – fracture là bất kì vết nứt nào trong đá quý ngoài cát khai và tách khai. Vết vỡ thường có dạng vỏ sò, giống như vết bể cong trong thủy tinh. Chúng thường xuyên xuất hiện trong quá trình hình thành đá quý hoặc trong quy trình khai thác mỏ. Một vết vỡ có thể xuất hiện ở bất kỳ viên đá nào bị va đập mạnh. Vết vỡ thường thấy ở bề mặt của một số loại đá quý – đặc biệt là emerald – thường được lấp đầy bởi dầu hoặc nhựa tổng hợp làm chúng ít bị nhận thấy.
4. Bao thể lỏng và bao thể tinh thể
Nhiều loại đá màu trong suốt, nhất là emerald và tourmaline, thường có bao thể lỏng. nếu bao thể lỏng đủ lớn hoặc nhiều, chúng có thể ảnh hưởng đến vẻ đẹp, giá trị của viên đá. Một viên đá quý có bao thể lỏng dễ bị tác động xấu như nứt, vỡ bởi nhiệt độ cao trong quá trình sửa nữ trang. Ví dụ: bao thể có thể bị phá hủy và gây nứt viên đá.
Ngoài bao thể lỏng, quá trình tăng trưởng tinh thể cũng có thể bẫy các tinh thể nhỏ hơn. Những bao thể này được gọi là bao thể tinh thể. Chúng có thể xuất hiện ở hầu hết các loại đá quý. Nếu bao thể tinh thể nhiều hoặc lớn, chúng có thể làm giảm giá trị viên ngọc.